Mãn kinh và những hệ lụy về sức khỏe

Mãn kinh là dấu hiệu chắc chắn báo cho phụ nữ biết rằng cuộc sống đã chuyển tiếp sang một giai đoạn mới hoàn toàn sinh lý này giống như sự chuyển tiếp từ thời kỳ thơ ấu sang tuổi vị thành niên, điều khác chỉ là ở tuổi vị thành niên các yếu tố sinh học là những yếu tố quyết định, còn những biến đổi trong thời kỳ mãn kinh không chỉ là do tuổi tác mà bao gồm cả các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội và văn hóa nữa. Đó hoàn toàn không phải là một bệnh lý, hậu quả của già nua. Nếu ở tuổi vị thành niên cần phòng tránh các bệnh lây theo đường tình dục, phòng tránh thai ngoài ý muốn, thì sau mãn kinh lại cần phòng tránh ung thư, loãng xương, lãng quên, đột quỵ, béo phì, tim mạch…

Rất nhiều phụ nữ qua tuổi mãn kinh một cách êm ả, bình thường chỉ đơn giản là hàng tháng không cần phải chăm sóc vì có kinh nữa, nhưng cũng có một số khác có các dấu hiệu khó chịu, thậm chí trầm trọng, cần có sự chăm sóc y tế. Các nền văn hóa khác nhau cũng ảnh hưởng khác nhau đến các thể hiện của thời kỳ mãn kinh. Những người phải tìm kiếm sự hỗ trợ của y tế thường có các triệu chứng thuộc 3 loại sau:

Rối loạn vận mạch bốc hỏa thể hiện quan trọng nhất của rối loạn vận mạch. Cơ chế sinh lý chưa được hiểu đầy đủ song nhiều khả năng là có nguồn gốc từ vùng dưới đồi, hệ quả là suy giảm estrogen nhưng không phải tất cả các cơn bốc hỏa đều do thiếu estrogen.

Teo đét niêm mạc âm đạo, niệu đạo, giao hợp đau, ngứa âm đạo - âm môn, són tiểu viêm (vô khuẩn) bàng quang - niệu đạo.

Tâm lý bao gồm tình trạng lo âu, không yên, giảm hứng thú, dễ bị kích thích, nóng nảy, cáu bẳn, mất ngủ, tình dục giảm, không có căn cứ nào để gán tất cả các triệu chứng này cho tình trạng thiếu estrogen.

 Tập dưỡng sinh tốt cho tuổi mãn kinh.
Chăm sóc trong thời kỳ mãn kinh

Cần nhận thức rõ mãn kinh không phải là bệnh mà là tình trạng sinh lý bình thường của mọi phụ nữ, chuyển tiếp từ giai đoạn sinh sản sang giai đoạn không sinh sản nữa. Sự chuyển đổi này tiếp theo sau những chuyển đổi đã diễn ra từ tuổi không sinh sản lúc thiếu thời sang tuổi sinh sản lúc trưởng thành với các đặc điểm sinh lý của lứa tuổi. Nhận thức như vậy làm cho ta yên tâm và mãn kinh sẽ diễn ra êm ả hơn.

Chế độ dinh dưỡng tốt: Cân đối, nhiều sinh tố, rau quả, ít mỡ động vật, nhiều chất canxi (hải sản, sữa không béo) acid béo omega 3, omega 6 (cá rong biển, các loại hạt) ăn nhiều đậu tương và các chế phẩm từ đậu tương (để có các estrogen nguồn gốc thực vật) như đậu phụ, sữa đậu nành, tào phớ, tương….

Tập thể dục phù hợp để giảm ứ trệ tuần hoàn, béo phì, bằng các bài tập yoga, dưỡng sinh, đi bộ, bơi…

Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và phòng các bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung, niêm mạc tử cung... để xử trí kịp thời chống loãng xương thích hợp.

Duy trì lối sống lành mạnh trong gia đình: Các ông chồng chú ý đến các đặc điểm thay đổi tâm lý của các bà vợ mãn kinh, tạo điều kiện để hòa nhập xã hội, duy trì tình dục theo nhịp độ sinh lý của các bà vợ (khúc nhạc dạo đầu hay hơn, bền bỉ hơn, bôi trơn tốt hơn…).

Chỉ dùng thuốc, nhất là nội tiết khi thật cần thiết và có sự chỉ định, theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.

 

Dấu hiệu đặc trưng của thời kỳ mãn kinh

Bốc hỏa mãn kinh đặc trưng ở cảm giác nóng bừng (và đỏ) ở các vùng da ở đầu, cổ ngực rồi toàn thân và vã mồ hôi. Cơn bốc hỏa không phải là sự thải khí nóng ra khỏi cơ thể mà là do một kích thích đột ngột cho tỏa nhiệt. Bề mặt da nhiệt độ cũng tăng lên, dẫn nhiệt xuống phần dưới và rồi giảm đi. Cơn bốc hỏa có thể kéo dài từ vài giây đến nhiều phút, nhưng ít khi quá một giờ. Tần số các cơn cũng thay đổi nhiều, nhưng thường xảy ra về đêm. Phụ nữ béo ít bị bốc hỏa hơn, do có dự trữ estrogen trong lớp mỡ. Nhiều chị em chịu đựng bốc hỏa và mất ngủ một cách khổ sở, khó khăn và có ảnh hưởng không ít tới đời sống gia đình và công việc trong xã hội. Vì vậy nên khuyên bệnh nhân uống estrogen vào buổi tối - progesterone (medroxyprogesterone acetat) 20mg/ngày cũng giảm được cơn bốc hỏa nhưng không ngừa được teo đét ở âm đạo và âm môn như estrogen. Tiêm depoprovera 150mg 3 tháng một lần ngăn ngừa rất tốt cơn bốc hỏa.

GS.  Đỗ Trọng Hiếu