Tìm đâu nét chân quê?

Ngày nay, ở các vùng quê, hình ảnh lũa tre xanh, cây đa, bến nước sân đình, cô thôn nữ dịu dàng duyên dáng bên chiếc nón lá chao nghiêng… gần như chỉ còn trong hoài niệm. Làng chẳng còn làng mà phố lại chưa ra phố. Sự thay đổi về cảnh vật kéo theo sự thay đổi cả nếp sống, mạch hồn quê.

Những “cô Mầu” hiện đại

Ở nhiều vùng nông thôn bây giờ, mỗi khi nhận lời mời dự cưới con cái nhà ai hơi đường đột, gấp gáp, như tháng 5, tháng 6 nóng nực, hoặc áp Tết tục quê kiêng năm cùng tháng tận, người ta lại hay đồn đoán “chắc có chuyện “ăn cơm trước kẻng” nên mới phải cưới chạy vậy chăng?”. Sự đồn đoán chẳng mấy khi trật bởi chuyện đó chẳng còn là hy hữu và cũng chẳng phải cứ cưới vào những tháng không thích hợp như vậy mới gây chú ý.

 Ảnh minh họa
Chuyện các cô Mầu thời đại vì yêu đương nông nổi, bản năng mà sớm có baby trước khi cưới chồng đã như chuyện thường ngày ở nhiều làng xã. Đến nỗi, ở làng nọ cách Thủ đô Hà Nội 1giờ xe chạy, có trường hợp người mẹ là cán bộ phụ nữ nhưng cũng không biết “ăn làm sao nói làm sao” với cái bụng bầu của cô con gái mới 17 tuổi. Dù biết “đồng tác giả” ở ngay cùng xóm nhưng cũng không thể “cột cổ” để bắt thành chú rể được. Chỉ số niềm tin vào sự đoan trang, nghiêm túc của nhiều cô thôn nữ bây giờ xuống thấp đến mức, cứ như trước kia, chuyện chưa chồng mà chửa chỉ hay xảy ra với những cô quá lứa nhỡ thì, đành kiếm đứa con để nương tựa tuổi già và cũng phải chịu bao nhiêu điều tiếng. Thì nay, nhiều phụ huynh có con gái chưa đến tuổi cập kê cũng chẳng dám mạnh miệng. Bởi sợ cười người năm trước vài năm sau người lại cười mình.

Cơ sự vì đâu?

Nền kinh tế thị trường như cơn lốc tràn về mọi ngõ ngách của làng quê, người ta đua nhau kiếm tiền bằng mọi cách: người ly nông ra thành phố làm đủ thứ nghề từ phụ hồ, ve chai, bán dạo. Người xuất bôn sang tận nước ngoài làm thuê. Người ở lại cũng mở trang trại nuôi heo, gà và ăn ngủ... cùng heo gà luôn. Thời chiến, đàn ông, thanh niên trai tráng ra trận hết, nhưng vẫn còn phụ nữ ở lại lo việc “ba đảm đang”. Còn nhiều vùng quê hiện nay, nhân lực chủ yếu chỉ còn ông bà già, trẻ nhỏ, người bệnh yếu hoặc còn đi học. Sự mê mải mưu sinh của nhiều phụ huynh đã để lại một lỗ hổng lớn trong giáo dục gia đình. Các em thiếu sự rèn cặp, định hướng của cha mẹ, phải lớn lên trong sự tự thân mày mò. Trong khi đó, mặt trái của sự phát triển kinh tế xã hội với những tệ nạn, cạm bẫy chẳng chừa lãnh địa nào, dù là vùng sâu, vùng xa. Làng quê bây giờ không thiếu điểm ăn chơi, đề đóm, mại dâm. Internet băng thông rộng với đủ các trang web đen, các sản phẩm văn hóa độc hại chỉ bước chân ra khỏi nhà là có. Tất cả những điều này là những yếu tố “thiên thời, địa lợi” đã “nhuộm đen” phần nào cách nghĩ, cách sống của một bộ phận giới trẻ nông thôn.

Không phủ nhận rất nhiều gương thanh thiếu niên ở quê vừa lam làm lại vừa học giỏi, đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, đại học và học sinh giỏi quốc gia, quốc tế rất đáng tự hào. Nhưng cũng thấy nhiều thôn nữ bây giờ ít hiền thục, nết na hơn. Các nam thanh niên lại như những tay chơi càn quấy. Học hành không tới đâu mà sớm trải đời những chuyện yêu đương tình dục. Vậy mà các bậc mẹ cha đã vì bận rộn, đua chen, ít thời gian chăm sóc, dạy dỗ con, lại không theo kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ, tụt hậu với suy nghĩ, nhận thức của con và cách giáo dục trẻ thời nay. Vẫn chỉ là những kiểu dạy con theo lối cũ: hoặc cứng nhắc răn đe, đánh mắng thô bạo, hoặc chủ quan thả lỏng rồi bất lực. Trong khi lẽ ra phải dạy con những kiến thức, kỹ năng, quan điểm, lối sống; định hướng về tình bạn, tình yêu. Thêm vào đó là sự nghèo nàn, thiếu thốn trong các hoạt động giải trí, sự bỏ ngỏ của các tổ chức đoàn thể: hội thanh niên, phụ nữ… Thế nên, giới trẻ thôn quê như hoàn toàn mù tịt kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Họ không hiểu gì về cơ chế thụ thai, cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn.

Nếu như ở thành phố, những phương tiện trợ giúp như bao cao su, thuốc ngừa và cả những dịch vụ, tiện nghi để giải quyết “công đoạn cuối” chuyện “trót nhỡ” này là bệnh viện, các bác sĩ sản khoa vốn rất sẵn, thì ở nông thôn, khi đã dính bầu các em chỉ còn biết “đeo cục nợ” rồi ê mặt chịu trận. Vậy mới có những chuyện như người mẹ kể rằng chỉ cho phép con gái đi chơi đến 21h, và “ngủ cùng để canh chừng suốt mà rồi… vẫn thấy bụng nó to lên mới biết…”. Hoặc những đêm khuya, có em trai mới 15 - 16 tuổi cũng biết gọi cho nhà tư vấn, nhưng chỉ để kể rằng em không ngủ được vì… cần bạn gái. Bảo em nên phân tán sự chú ý ra nhiều hướng khác, năng hoạt động thể thao, giải trí để tiêu hao bớt năng lượng, đỡ bức xúc “chuyện đó” thì em “xì”, coi như chuyện lãng xẹt không đâu. Có em gái mang bầu đến tháng thứ 8 vẫn phải nịt bụng giấu giếm rồi đẻ ra đứa trẻ bụng ỏng đít beo thật tội. “Động trời” hơn là có em giấu trót lọt đến ngày đẻ, tự đi đẻ một mình ở bệnh viện xong lẳng lặng bỏ con lại trốn về ngay trong ngày. Gặp hôm nhà có đám tiệc, em cũng xăng xái bưng bê, phục vụ như người hoàn toàn bình thường khỏe mạnh để xóa nghi ngờ của mọi người mà quên mình là một sản phụ vừa qua cơn vượt cạn, yếu đuối như rắn vừa lột xác. Thật khổ cho các em, nhất là tuổi già sau này nhưng biết trách ai, khi chính tự các em gây ra? Khi những người làm cha mẹ đã không quan tâm sâu sát để con cái liều mình làm cái việc “lấy thúng úp voi”?

Chẳng cứ những em ở quê nhà, quanh quẩn bên mấy bức tường, thửa ruộng mới dại khờ, nông cạn mà thành như vậy, cả những em ra ngoài làm công nhân, học trường này nọ nhưng cứ như “phong trào”, “bắt chước” nhau để “ăn cơm trước kẻng”. Lý trí, sự tỉnh táo trong việc giữ thân của các em chẳng còn bao nhiêu. Có nhà có 2 - 3 cô con gái thì đều “noi gương” nhau như thế cả. Dân quê giờ thường đùa là đám cưới nhà trai thật lãi, “tậu trâu còn được cả nghé” nữa. Nhưng ai cũng lại biết, những đám cưới vội vàng như những trái non chín ép ấy, làm sao có hạnh phúc lâu bền. Cả thèm thì chóng chán. Tình dục không phải là tình yêu. Chẳng thế mà nhiều em trai mới ngoài 20 tuổi đã… 2, 3 đời “vợ”. Đầu năm cưới, cuối năm ly dị. “Trẻ con lại đẻ ra trẻ con”, các em hầu hết chưa thật lớn khôn, chững chạc; chưa có nghề nghiệp để nuôi được bản thân, lấy gì nuôi dạy một đứa trẻ nên người? Còn không cưới thì lại thêm những đứa trẻ không cha, những thiếu phụ không chồng. Thật đáng buồn, đáng tiếc. Vậy chỉ mong khi đọc những dòng này, đừng ai còn thiếu sót, dại dột để rồi sau này lại tìm thấy mình trong đó.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Bắc