Giới trẻ và vị đắng tình yêu

Chuyện yêu đương của giới trẻ thời nay – nhất trong độ tuổi 20-30, luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của hầu hết các bậc phụ huynh và những người làm công tác văn hóa, quản lý xã hội. Giới trẻ hiện đang quan niệm và ứng xử thế nào về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc?

Vị đắng chát của những dòng tâm sự

Kim Thư (*) là cô gái khá dễ thương. Tuổi mới 23 nhưng em đã có một công việc tốt với mức thu nhập khiến hầu hết bạn bè cùng trang lứa phải ao ước. Em từng yêu một anh chàng hơn em 6 tuổi cũng khá giỏi giang: có công ty riêng làm ăn phát đạt. Đôi bạn trẻ đã sắp làm đám cưới - hơi vội vàng một chút vì có “sự cố”: “kẻng” chưa “đánh” nhưng hai người đã “ăn cơm” và một “tí nhau” khoảng tám tháng nữa sẽ… đòi bú sữa. Cha mẹ hai bên cũng đã đồng ý. Tiệc đã đặt, thiệp cũng in xong. Thế mà chỉ cách ngày cưới có 2 tuần, chú rể tương lai trốn biệt để lại lời giải thích là “không thể tiếp tục vì biết chắc tình cảm của mình không phải là tình yêu. Nếu cứ cưới, sợ sau này không có hạnh phúc sẽ rầy rà hơn. Còn “baby” thì Thư cứ việc “xử lý” sao có lợi cho mình nhất…”.

 Ảnh minh họa
Thư như người tay không bị bỏ rơi giữa đại dương. Một mặt không biết giải thích sao về đám cưới trượt với bố mẹ, họ hàng mình. Một mặt, bố mẹ anh kia cứ suốt ngày gọi điện níu kéo, hứa hẹn đủ điều chỉ cốt để Thư giữ giọt máu của gia đình họ lại, tránh cho con họ cái tội thất đức. Nhưng Thư cũng biết rõ nào có ăn thua gì. Anh chàng “họ Sở” kia đang ở bên người yêu cũ và khi thấy Thư có đồng minh là chính bố mẹ anh ta thì còn tức tối, hằn học cho là Thư thủ đoạn… Thư cứ dùng dằng mãi. Đến bệnh viện thì không cam tâm, hãi hùng lo mình còn có chứng máu loãng; nể và hy vọng mong manh trong tuyệt vọng ở sự can thiệp đầy bất lực của bố mẹ anh ta. Nhưng nếu rồi vẫn không có đám cưới thì sao? Em mới chỉ 23 tuổi. Cơ quan lại rất khắt khe về lối sống. Thân một mình nơi đất khách quê người. Em cũng từng là niềm tự hào của cả nhà em. Vậy mà… Chỉ vì những giây phút thiếu kiềm chế, nhẹ dạ cả tin lầm tưởng trước tình cảm của anh ta. Suốt gần một tháng trời em sống trong vật vã, nuối tiếc, ân hận. Từ một cô gái nhí nhảnh tự tin, tràn đầy sức sống. Giờ em như một bông hoa héo. Sự muộn phiền, mặc cảm, thù hận chất đầy trong em. Thật tội!

Trường hợp của Mai Trang cũng chẳng vui hơn. Thời sinh viên cô đã yêu và trao thân cho một anh chàng học trên mình ba khóa. Mối tình gắn bó suốt hai năm. Khi anh kia ra trường có việc làm thì bỏ cô để yêu con gái sếp cho dễ bề thăng tiến. Trang hụt hẫng, buồn rầu mãi rồi vùi đầu vào học. Trang có tấm bằng tốt nghiệp giỏi, về làm ở công ty xuất nhập khẩu lớn nhất nhì thành phố và lọt mắt xanh trưởng phòng. Người đàn ông lý tưởng ấy đã cầu hôn, xin cưới bất cứ lúc nào nếu Trang đồng ý. Dù trái tim đã bị “hạ gục” hoàn toàn nhưng Trang cũng chưa dám nhận lời bởi còn đang lo lắm. Quá khứ của Trang, anh không biết gì. Với tính cách sâu sắc, trọng truyền thống như anh và gia đình, liệu rồi anh có chấp nhận Trang? Hạnh phúc như mơ ấy rồi có bền vững hay cũng tan nhanh như giấc mơ? Đã có lần Trang lấp lửng thăm dò. Tuy anh không nói rõ nhưng Trang biết anh đã tin tưởng, kỳ vọng ở Trang rất nhiều. Nuối tiếc cho mình bao nhiêu. Trang còn lo anh bị tổn thương, thất vọng về Trang nhiều hơn. Trang ước có phép nào để quay ngược được thời gian…

Sống “thử” và hậu quả “thật”

Vấn đề tình dục trước hôn nhân của các bạn trẻ đang yêu bây giờ vốn chẳng còn gì mới. Rất nhiều diễn đàn từng mở ra. Có ý kiến - hẳn từ phái nam, còn cho rằng: đã đến tuổi trưởng thành, con gái 25, 27 tuổi rồi mà “còn zin” thì chưa chắc là điều… đáng tự hào(!). Cũng chẳng sai. Một cô gái dung nhan khiêm tốn, tính tình khó chịu: ích kỷ, vô duyên. “Zin 100%” vì chẳng có bao nhiêu cám dỗ thì giá trị của cô không nằm ở chỗ “còn zin” ấy. Ngược lại, nhiều bạn có học thức, có cống hiến; biết quan tâm, chia sẻ với mọi người. Vì nhiều lý do - cả khách quan: do nghề nghiệp (thể thao, nhảy múa), lẫn chủ quan (yêu đương lầm lỡ…), mà không “còn trinh” thì cũng không vì thế giá trị của họ mất hết. Trinh tiết và màng trinh là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Một đằng thể hiện tính cách, phẩm hạnh và một đằng chỉ đơn thuần là cấu tạo cơ thể học.

Đáng ngại nhất là nhiều bạn đã coi quan hệ tình dục đơn giản như… ăn cơm, uống nước. Là cách… xả stress - như quan niệm của một bạn gái ở đại học Quốc tế. Trở thành phong cách, lối sống bình thường. Chỉ qua vài lần gặp gỡ, trò chuyện là họ đã có thể dắt nhau “lên giường”. Tình dục càng dễ dàng hơn khi có yếu tố “kim tiền” xen vào: bồ là con nhà giàu, kép đại gia chơi đẹp... Như có cô sinh viên nọ, bao năm “giữ giá” mà rồi đổ ngay vì nghe đâu người đàn ông ấy – hơn mình cả hai con giáp, có những… 20 công ty. Mặc dù đã được cảnh báo về sự lừa đảo, cô vẫn không nghe để rồi khóc hết nước mắt than mình ngu dại. Các bạn ấy cũng chẳng quan tâm lắm đến chuyện phòng tránh thai. Có “trót, nhỡ” thì vô bệnh viện. Chẳng trách gì chúng ta đang giữ một “kỷ lục” bất đắc dĩ: là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới - đặc biệt trong lứa tuổi trẻ, tuổi vị thành niên. Và tỷ lệ vô sinh cũng đang tăng từng năm: hậu quả của việc yêu đương dễ dãi, nạo phá thai nhiều lần trước hôn nhân. Còn ngay cả những đôi yêu nhau sâu sắc, tự nguyện và tự tin ở hôn nhân trước mắt thì cũng không vì thế mà sự “rủi ro”, bất hạnh ở đâu xa.

Marie Quirie, nhà bác học ở thế kỷ trước, đã gọi tình yêu là thứ tình cảm “nhiều giông tố”. Đúng. Người ta đang yêu nhau mà có thể thù nhau, ghét nhau, chia tay nhau ngay đấy. Thay đổi ngay như thời tiết nhiều khi chẳng phải vì lý do gì to tát, chỉ qua vài câu nói, một cử chỉ không hài lòng. Như có đôi bạn nọ đang đi đưa thiệp cưới, tranh nhau cái... càng cua thôi, rồi ai đi đường ấy luôn(!). Hoặc có đôi lại chỉ vì không thích bạn trai gần đây hay… khịt mũi mà ba năm gắn bó thành ngay người xa lạ… Vậy mà đã trao thân, đã “trót nhỡ”, có cưới nhau cũng chỉ “vì tình thế”, làm sao có hạnh phúc Còn không cưới thì thiệt thòi, dở dang đủ đường. Khó cho các nhà tư vấn nhất là hay gặp các bạn nữ hỏi “ở đâu làm lại được “cái đó”. Đương nhiên là không ai chỉ cách làm… “hàng gian”. Và riêng điều đó cũng không giải quyết hết được vấn đề.

Thế nên, xin nhắn nhủ tới các bạn đang yêu: hãy tỉnh táo, biết bảo trọng, tự trọng để giữ mình. Để hiểu rõ ranh giới sự nhận cho… Đó mới là những nền tảng cơ bản của hôn nhân hạnh phúc. Đừng buông thả, thiếu hiểu biết, nông nổi “sống thử” rồi lãnh hậu quả “thật”.

(*) Các tên nhân vật trong bài này đã được thay đổi

 

Chuyên gia tâm lýNguyễn Thị Kim Bắc.